Có một tiết tập làm văn như thế!

Nhìn ánh mắt ánh lên vẻ rạng ngời của các em, tôi biết rằng giờ học này các em đã sẵn sàng để làm chủ kiến thức, là chủ thể của tiết học.

     Năm học 2019-2020, trường Tiểu học Yên Lư số 1 và trường Tiểu học Yên Lư số 2 sáp nhập thành trường Tiểu học Yên Lư. Ngôi nhà mới, những đồng nghiệp mới, những điểm trường mới,...tất cả gợi lên cho tôi điều gì đó mới mẻ, háo hức, lâng lâng một niềm vui khó tả. Chiều thứ tư, ngày 16/10/2019, như thường lệ, theo lịch của chuyên môn nhà trường, chúng tôi dự sinh hoạt chuyên môn tại điểm trường lẻ khu Lư Giang. Đến dự buổi sinh hoạt chuyên môn của đồng chí Lã Thị Thanh Hải tâm trạng của tôi rất háo hức vì đồng chí Hải là một giáo viên có kiến thức sư phạm và năng lực chuyên môn vững vàng nên tôi có thể học được ở đồng chí rất nhiều điều. Không những vậy phân môn mà đồng chí thao giảng lại là môn tập làm văn - phân môn mà tôi gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì vốn từ của học sinh chưa tốt, năng lực dùng từ, đặt câu của các em còn hạn chế. Bên cạnh đó, với vốn kinh nghiệm ít ỏi tích lũy được, phân môn tập làm văn thực sự là một trở ngại đối với bản thân tôi. Tôi rất mong chờ sẽ học hỏi được từ đồng nghiệp những bài học kinh nghiệm thực tiễn bổ ích để vận dụng vào bài dạy của mình.

    Và đồng chí Hải đã đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên ngay từ cách đồng chí dẵn dắt vào bài. Với những tiết tập làm văn, học sinh thường gặp khó khăn khi vận dụng vốn từ để đặt câu, viết văn. Và tôi đã nghĩ rằng học sinh lớp đồng chí Hải chắc cũng giống học sinh lớp tôi thôi. Đó là các em sẽ ngơ ngác, sẽ khó khăn, sẽ đăm chiêu,...Nhưng không, các em háo hức, hoàn toàn chủ động để bắt đầu giờ học.

HS tự tin, háo hức vào bài học

     Nhìn ánh mắt ánh lên vẻ rạng ngời của các em, tôi biết rằng giờ học này các em đã sẵn sàng để làm chủ kiến thức, là chủ thể của tiết học. Nhìn các em háo hức như vậy, tôi tự hỏi nhờ đâu mà các em lại có sự tự tin như vậy? Và do đâu mà học sinh lớp tôi lại luôn rụt rè, nhút nhát, luôn khó khăn trong các giờ tập làm văn? Giờ thì tôi đã có câu trả lời. Sự chủ động, tự tin của HS không tự nhiên mà  có. Tất cả là do giáo viên, chính từ cách thức tổ chức tiết học của giáo viên đã truyền sự chủ động, sự tự tin cho HS. GV dẫn dắt vào bài học rất nhẹ nhàng với ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ hiểu:

- Ở lớp 5, các em đã học thể loại văn gì? Kiểu bài gì?

- Dàn ý gồm mấy phần? Đó là những phần nào? Nội dung của từng phần là gì?

       Giáo viên đã dựa vào kiến thức cũ mà học sinh nắm vững để giới thiệu vào bài học mới, từ đó tạo cho các em một sự tự tin nhất định, gây ra sự hứng thú cho các em khi vào bài học. Điều này thực sự gây cho tôi một ấn tượng khá tốt.

     Nhưng không chỉ có vậy, đồng chí Hải còn đưa tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi yêu cầu các em lập dàn ý bài văn miêu tả cảnh sông nước sử dụng sơ đồ tư duy. Tôi tự hỏi: “sử dụng sơ đồ tư duy cho một tiết tập làm văn liệu có khả thi hay không? Liệu nó có quá mới mẻ với học sinh? Liệu rằng các em có thể làm được trong 35 phút?",...Và các em lại cho tôi câu trả lời xác đáng cho tất cả mọi nghi vấn của tôi.

    Khi yêu cầu của cô vừa dứt, không khí trong lớp như tĩnh lặng. Các em học sinh háo hức làm việc cá nhân vào phiếu học tập, bạn nào cũng hăng say lập dàn ý của mình. Có lẽ việc sử dụng sơ đồ tư duy vào lập dàn ý như kích thích tính sáng tạo của các em.

 

Mỗi em chủ động trong việc lập dàn ý

    Và rồi sự chủ động của các em được thể hiện một cách rõ nét khi các em cùng nhau thảo luận và hoàn thành trên bảng nhóm dàn ý bằng sơ đồ tư duy. Đó là cảnh đẹp của dòng sông Cầu thơ mộng được các em miêu tả bằng những giác quan, bằng những hình ảnh gợi tả và các câu sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh hoặc nhân hóa.

        

            

                     

HS tích cực hợp tác nhóm, chia sẻ với bạn, với cô giáo

    Sự chủ động, tự tin của các em ở đâu mà có? Và tôi đã có câu trả lời: Đó là sự hợp tác với bạn bè khi cùng giải quyết một nhiệm vụ học tập; Đó là sự sẻ chia, giúp đỡ khi bạn còn thắc mắc; Đó là sự hỗ trợ kịp thời của giáo viên khi cả nhóm còn băn khoăn. Khi tất cả mọi khó khăn được giải quyết thì đâu còn lí do gì mà học sinh lại không chủ động, lại không tự tin chứ? Các em không phải là đang tiếp nhận kiến thức giáo viên truyền thụ  mà là học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức của bài học, là chủ thể của giờ học.

Các em tự tin trình bày sản phẩm của nhóm.

     Với các em bây giờ viết văn thật dễ dàng. Bởi khi đó là các em đang tái hiện lại cảnh đẹp quê hương dưới con mắt quan sát của chính bản thân mình, được thể hiện tình yêu quê hương tha thiết.

Bài viết của bạn Trà My

    Qua tiết dạy của đồng chí Hải, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình. Đó là: phải dựa vào nền tảng kiến thức cũ mà học sinh quen thuộc để xây dựng kiến thức mới; Đó là luôn xây dựng hoạt động nhóm cộng tác để học sinh chia sẻ với nhau khi còn vướng mắc; Đó là giáo viên luôn cần hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn. Đó là luôn cần phải mạnh dạn vận dụng những phương pháp dạy học tích cực vào bài dạy để gây hứng thú cho HS...Và tôi chắc rằng với những kinh nghiệm học được ngày hôm nay, khi áp dụng với học sinh lớp tôi thì một ngày không xa các em học sinh lớp tôi cũng chủ động, tự tin như các em lớp đồng chí Hải. Cảm ơn sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học, cảm ơn đồng chí Hải đã giúp tôi có chìa khóa để dạy những tiết tập làm văn, để đánh thức sự chủ động, sự tự tin cho học sinh. Với tôi, phân môn tập làm văn giờ đây không còn là trở ngại nữa mà sẽ là nơi tôi nuôi dưỡng ước mơ trong những tâm hồn trẻ thơ.

                                                                              Trịnh Thu Hằng - GV trường TH Yên Lư