Đường dẫn nối tiếp nhịp cầu của sinh hoạt chuyên môn là cánh cửa đưa đến thành công

          Thắng Cương sau những ngày nghỉ tết Nguyên Đán năm 2019, nét xuân vẫn còn vương vấn trong cảnh sắc nhà Trường TH & THCS Thắng Cương. Tuy vậy mà các thầy cô giáo cùng với các em học sinh vẫn không quên nhiệm vụ của năm học là thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, để các em học sinh đều đạt được kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu, đồng thời hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết trong các giờ học. Đối với mỗi giáo viên chúng tôi, sau mỗi tiết sinh hoạt chuyên môn chúng tôi rút ra được những kinh nghiệm, những bài học bổ ích và đó cũng chính là cầu nối dẫn dắt chúng tôi bước tới những thành công mới trong sự nghiệp trồng người.

     Theo kế hoạch của Ban giám hiệu nhà trường cùng với tổ chuyên môn, sang học kì II sinh hoạt chuyên môn tiếp tục hướng đến trọng tâm vào việc dạy các môn TNXH, lịch sử, địa lí, toán học. Vì đây là các môn học có nhiều nội dung còn vướng mắc cần được phân tích, làm rõ. Tiết dạy điển hình theo hướng nghiên cứu bài học, định hướng phát triển năng lực của học sinh đã được đồng chí Ngụy Thị Nguyệt tổ 2 + 3 chọn tiết toán lớp 2 bảng chia 3 là bài dạy minh họa.

     Tiết học diễn ra nhẹ nhàng, thân thiện, học sinh được phát huy tối đa những kiến thức, kĩ năng mà mình đã tích lũy được. Nhiều nội dung, thắc mắc của học sinh đã được các bạn và giáo viên giúp đỡ nên các em đã hiểu được bản chất và mở rộng được vốn kiến thức.

     Học sinh hứng thú khởi động tiết học bằng bài hát “Lớp chúng ta đoàn kết”. Bằng cách liên hệ nhẹ nhàng, tự lúc nào cô giáo đã đưa các em đến với những con số, những phép tính của bảng nhân 3 để rồi dẫn dắt các em đến với bảng chia 3. Các em hứng thú, vừa học vừa chơi. Thật là thú vị khi quan sát các em tham gia bài học, các em thật tự tin chiếm lĩnh kiến thức không chút rụt rè, e ngại. Các em thoải mái, tự tin bày tỏ ý kiến với cô, với bạn. Tôi thích thú khi quan sát học sinh tên Trân. Em tự tin, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình trước lớp. Đó là những lúc để các em có cơ hội bày tỏ và bộc lộ những hiểu biết của mình và cũng là lúc các em được đón nhận những cơ hội đó từ thầy cô.

Em Trân cùng các bạn tự tin  bày tỏ ý kiến của mình trước lớp  

    Tôi tâm đắc nhất là hoạt động khi cô giáo cho cả lớp viết tiếp bảng chia 3 vào bảng con. Giáo viên nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em là mong muốn được tự tìm tòi, khám phá về bảng chia 3. Giáo viên vận dụng phương pháp nêu vấn đề và giải quyết vấn đề yêu cầu học sinh suy nghĩ dựa vào bảng nhân 3 để tự lập bảng chia 3 vào bảng con.

                                                                                      Học sinh say sưa làm việc theo yêu cầu của cô

     Yêu cầu  của giáo viên rõ ràng, mạch lạc. Các em nhanh nhẹn, chủ động làm việc. Quan sát bao quát cả lớp, tôi thấy sự tự tin thể hiện rõ trên từng nét mặt. Các em đều hài lòng với những phép tính mình viết được vào bảng con. Năng lực tự học, chủ động, sáng tạo được các em thể hiện rõ qua từng nhiệm vụ mà cô giáo giao.

HS sôi nổi phát biểu ý kiến                        

   Không chỉ có vậy các em còn biết vận dụng kiến thức đã học để giải bài toán có lời văn, hứng thú với những trò chơi nhằm củng cố kiến thức của bảng chia 3.

   Tuy nhiên ở hoạt động 1 trong khi các bạn đã sắp hoàn thành bảng chia 3 tôi nhận thấy học sinh Thịnh, Thu, Phong gặp khó khăn, lúng túng loay hoay mãi mà chưa viết được phép tính nào. Tôi nhận định: “có thể do khả năng lĩnh hội kiến thức của các em còn hạn chế, khả năng viết bài còn chậm, mặt khác chưa kịp thời nhận được sự giúp đỡ của bạn bè và của giáo viên” (bạn bên cạnh làm xong giơ tay, giơ bảng nhưng không hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn bạn).

Bạn Phong được giáo viên giúp đỡ khi gặp khó khăn

                                                       Học sinh thích thú với câu trả lời của bạn

     Tiết học diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ, sự chia sẻ thân thiện giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh , giữa học sinh với giáo viên. Phương pháp nêu vấn đề và giải quyết vấn đề được giáo viên sử dụng một cách linh hoạt giúp cho các em đạt được mục tiêu bài học, chủ động, sáng tạo tiếp thu kiến thức mới. Học sinh mạnh dạn chia sẻ, khắc phục những thiếu xót cho nhau trong nhóm nhỏ, chứng tỏ các em chăm chỉ học tập, yêu thích môn toán. Học sinh biết lắng nghe ý kiến của bạn, khi bạn trả lời các em biết hướng về bạn để nghe bạn trả lời.

     Kết thúc việc quan sát giờ học, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lưu Ngân Hà, các nhóm giáo viên bắt đầu trao đổi, chọn lọc hình ảnh và trình chiếu Power point. Mỗi nhóm chia sẻ sâu một hoạt động tập trung vào việc học sinh học tập như thế nào. Tôi thấy tâm đắc với chia sẻ của nhóm đồng chí Thảo về việc “đặt câu hỏi có vấn đề” nhằm kích thích học sinh tư duy sâu và giao thêm nội dung mở rộng phát triển năng lực của học sinh. Ngoài ra tôi đồng tình với chia sẻ của nhóm đồng chí Thiện về hình thức tổ chức lớp học: giáo viên luôn chọn cho mình 1 vị trí đứng thuận lợi nhất để bao quát được tất cả học sinh, không che khuất tầm nhìn của học sinh trên bảng lớp, không đứng quá lâu tại 1 vị trí học sinh và cần tạo cho HS thói quen chia sẻ và giúp đỡ bạn trong nhóm.

    Buổi sinh hoạt chuyên môn kết thúc nhẹ nhàng thắm tình đồng nghiệp. Tôi thầm cảm ơn cô giáo Ngụy Thị Nguyệt người đồng nghiệp với nhiều vốn kinh nghiệm, người giáo viên thế hệ đi trước luôn cống hiến hết mình trên bục giảng. Qua mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn mỗi giáo viên chúng tôi lại có thêm những bài học trân quý và hiểu được rằng: Con đường dẫn nối tiếp nhịp cầu của sinh hoạt chuyên môn là cánh cửa đưa đến bến đỗ thành công.

 

                                                                                         Nguyễn Thị Trang – Trường TH&THCS Thắng Cương